Breaking News

Hố sâu đói khát 2: Bước cải tiến hay đi lùi sau phần 1 đình đám?

Hố sâu đói khát 2: Bước cải tiến hay đi lùi sau phần 1 đình đám? - Ảnh 1.

Hố sâu đói khát 2 luẩn quẩn và bế tắc - Ảnh: Netflix

Năm 2020, Hố sâu đói khát (The Platform) của điện ảnh Tây Ban Nha gây chú ý ngay khi vừa phát hành. 

Phim xoay quanh nhân vật chính Goreng (Ivan Massague) tự nguyện sống trong một nhà tù gọi là "Cái hố" - nơi có 333 tầng - trong vòng 6 tháng nhằm lấy chứng chỉ mong muốn. 

Hằng ngày, một bàn tiệc lớn được hạ từ tầng 1 xuống các tầng tiếp theo, người ở tầng dưới ăn đồ thừa của người tầng trên.

Sau một tháng, các phạm nhân được hoán đổi vị trí ngẫu nhiên cho nhau. 

Nếu không may mắn bị chuyển xuống tầng quá 50, họ sẽ không còn bất cứ thứ gì để ăn và buộc phải tìm cách tự sinh tồn.

Năm nay, Hố sâu đói khát trở lại, vẫn do đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia cầm trịch. 

Phim đẩy mức độ đen tối và kịch tính lên cao hơn, để từ đó khai thác bản năng của con người, phê phán lòng tham và các vấn nạn đạo đức.

Tuy nhiên, do cách kể chuyện rối rắm, Hố sâu đói khát 2 phí phạm một câu chuyện giàu tiềm năng. Thay vì tạo được sự tò mò đến phút cuối cùng như phần 1, phần kế tiếp này càng về sau càng lê thê và gây mệt mỏi.

Trailer Hố sâu đói khát 2

Hố sâu đói khát 2 tiếp nối nhưng chưa hoàn thiện

Đánh giá khách quan, Hố sâu đói khát 2 có sự kế thừa và phát huy những điểm mạnh đã làm nên thành công của phần phim đầu tiên. 

Tác phẩm giữ nguyên những quy tắc vận hành cơ bản của "Cái hố". Mỗi "tù nhân" tham gia sẽ phải trả lời 3 câu hỏi về lý do tới đây, món ăn yêu thích, vật dụng muốn mang theo.

Các vị trí tầng ở và bạn cùng tầng cũng được sắp xếp ngẫu nhiên. Mỗi tháng là một thử thách mới, buộc "người chơi" phải linh hoạt trong cách ứng xử. 

"Cái hố" cũng giống như cuộc đời thực thu nhỏ, nơi phân chia giai tầng rõ nét. Mỗi một người là một hoàn cảnh, một số phận, một tính cách. Và sự lựa chọn của mỗi người dẫn đến kết cục tương xứng dành cho họ.

Hố sâu đói khát 2: Bước cải tiến hay đi lùi sau phần 1 đình đám? - Ảnh 2.

Hố sâu đói khát 2 đen tối và bạo lực hơn phần 1 - Ảnh: Variety

Nếu phần 1 của phim xoay quanh nhân vật trung tâm là chàng trí thức yêu sách, thì Hố sâu đói khát 2 cũng sở hữu nữ chính giàu tiềm năng Perempúan (Milena Smit), một nữ họa sĩ u uất, từng trải qua nhiều biến cố trong quá khứ.

Theo chân Perempúan, ta nhận thấy "Cái hố" giờ đây cũng có sự phát triển hơn trước, luật lệ được áp dụng để mọi người cùng tồn tại. Hệ thống tổ chức phân thành hai nhóm riêng biệt.

Đó là Môn đồ - những người tôn trọng và bảo vệ luật đến cùng. 

Còn đối đầu với họ là Man rợ, những kẻ chỉ nghĩ đến bản thân, bất chấp tất cả để lấp đầy bụng đói.

Perempúan cùng một bộ phận người khác mắc kẹt giữa hai tổ chức này. Họ không có tiếng nói hay được quyền tự quyết bất cứ điều gì. 

Càng về sau, Perempúan càng bị cuốn sâu vào những mâu thuẫn và đấu tranh nội tâm. Khi lần lượt chứng kiến sự ra đi của các bạn cùng tầng, cô buộc phải đưa ra quyết định để giải thoát cho chính mình.

Hố sâu đói khát 2: Bước cải tiến hay đi lùi sau phần 1 đình đám? - Ảnh 3.

Những món ăn thịnh soạn được chuẩn bị chu đáo, nhưng chỉ những người ở tầng lớp cao mới được thưởng thức đầu tiên - Ảnh: Netflix

Đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia nỗ lực cài cắm nhiều thông điệp khác nhau: từ sự phân chia giàu nghèo, sự áp đặt và bảo thủ của một bộ phận nắm quyền, sự túng quẫn của những người sống dưới đáy xã hội, sự tha hóa và bạo lực không chừa một ai, kể cả với những đứa trẻ tội nghiệp.

Song, lối diễn giải của đạo diễn lại chưa tương xứng với tham vọng của ông. Bộ phim đầy những mâu thuẫn và các tình tiết phi logic. 

Như việc để đám tội phạm bị treo ở tầng dưới trong khi ban đầu giới thiệu mỗi tầng chỉ vừa đủ để chứa đựng "Cái hố", hay việc xen kẽ những cảnh trẻ em chơi cầu trượt, những cuộc hội thoại giữa các nhân vật với tông màu đỏ phủ kín… khiến bộ phim tạo cảm giác nặng nề, đứt quãng.

Chất lượng trung bình so với nhiều phim sinh tồn khác

Điện ảnh thế giới có nhiều bộ phim thuộc đề tài sinh tồn từng gây sốt với khán giả. 

Từ Á sang Âu, ta có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như: Battle Royale, lấy bối cảnh tương lai của Nhật Bản, cài cắm thông điệp hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên. 

Hay The Hunt với mô típ độc đáo, kể về việc một nhóm những người thượng lưu bắt cóc những người thuộc tầng lớp lao động và ép họ làm "con mồi" cho trận đi săn sinh tử….

Điểm chung của những tác phẩm trên là đều có các khoảnh khắc ám ảnh, ghê rợn, nhưng thông qua đó truyền tải những thông điệp thời sự.

Hố sâu đói khát 2: Bước cải tiến hay đi lùi sau phần 1 đình đám? - Ảnh 4.

Hình ảnh và diễn xuất của phim ổn, nhưng nội dung còn hạn chế - Ảnh: Netflix

Với Hố sâu đói khát 2, có thể thấy phim đã làm tốt vế trước, khi nhấn mạnh vào các cảnh bạo lực, giết chóc, máu me... Phần hình ảnh được đầu tư, cũng như diễn xuất của các diễn viên nhìn chung tròn vai.

Tuy nhiên, chính vì tập trung vào những yếu tố bên ngoài, phần nội dung và thông điệp phim chưa được thể hiện rõ nét. 

Câu chuyện phim đơn giản, dễ đoán, do có chung hướng đi với phần 1. Tác phẩm cũng thiếu đi những câu thoại, những phân đoạn thật sự đắt giá để khán giả nhắc nhớ và suy ngẫm nhiều hơn về tính xã hội của phim.

Hố sâu đói khát 2: Bước cải tiến hay đi lùi sau phần 1 đình đám? - Ảnh 5.The Platform - Hố sâu đói khát: Hiểm họa và sự ích kỷ

TTO - Khi đói, dễ gì người ta chìa phần ăn của mình cho kẻ khác. Cái giả định kia như miếng thịt đã ninh thành chân lý muôn thuở. Nhưng với The Platform, đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia chợt tìm ra những mẩu xương dăm trong miếng thịt đã nhừ.



Bài viết Tuổi Trẻ Online - Giải trí - RSS Feed được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này

No comments