Công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam: Khán giả giờ khác, cần chiến lược đầu tư chiều sâu
Qua báo Tuổi Trẻ, các chuyên gia, nhà sản xuất, nhà quản lý góp ý để hoàn thiện "đường băng thông" của ngành, tạo đà cho công nghiệp biểu diễn, trong đó có âm nhạc, thực sự là một ngành bền vững và có tương lai.
Nhạc sĩ HUY TUẤN:
Hạ tầng chưa theo kịp thị trường
Từng chứng kiến nhiều trào lưu đến rồi đi nên hy vọng sự bứt phá của thị trường concert cuối năm là tín hiệu cho một sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp biểu diễn.
Tiềm năng thì rất nhiều nhưng tôi nghĩ thiếu nhất hiện giờ vẫn là sự đồng bộ ở các khâu, biểu hiện rõ nhất ở cơ sở hạ tầng.
Điểm lại các concert Anh trai say hi diễn ra tại khu đô thị Vạn Phúc, Anh trai vượt ngàn chông gai ở sân khấu công viên bờ sông Sài Gòn, Hội - Thuần - Hội thì ở The Global city (cùng thuộc TP Thủ Đức), ta đang tận dụng những khoảng đất rộng để làm sân khấu trình diễn.
Có nghĩa vẫn thiếu một sự chủ động với tổ chức biểu diễn.
Tất nhiên trên thế giới cũng có những concert được tổ chức ở sân vận động nhưng ở ta, nhà hát hoặc những sân khấu lớn dành riêng cho biểu diễn âm nhạc đang quá ít.
Những sự kiện lớn phải tận dụng các khu tổ hợp, các khu phức hợp, nhà đa chức năng hoặc trung tâm hội nghị... để làm show.
Việc trình diễn các loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự phức tạp và yêu cầu cao hơn nhiều.
Thay vì chuẩn bị cơ sở vật chất để đáp ứng được những cái phức tạp đó, ta lại đi xây những công trình hoành tráng, nhìn có vẻ oách nhưng khi bước vào lại thiếu những hạ tầng kỹ thuật dành cho việc biểu diễn.
Bài toán đúng là xây những công trình sẵn sàng cho biểu diễn, khi cần chuyển đổi sang công năng như họp hành, hội nghị... sẽ dễ hơn là làm ngược lại như hiện nay.
Những nhà tổ chức quốc tế thấy ở đây một thị trường tiềm năng và rộng lớn, dân số trẻ, lại có khả năng chi cho âm nhạc, chắc chắn là một địa chỉ lưu diễn mới trong khu vực. Họ rất muốn hợp tác nhưng chuyện địa điểm tổ chức lại khiến họ băn khoăn.
Ta có tiềm năng nhiều nhưng hạ tầng chưa theo kịp. Tôi nghĩ nếu muốn gầy dựng công nghiệp biểu diễn thực sự, trước hết ta phải quan tâm tới vấn đề này. Đây là một chuyện rất cấp bách.
Tổng giám đốc Yeah1 NGÔ THỊ VÂN HẠNH:
Khán giả giờ yêu văn hóa kiểu khác
Những đơn vị sản xuất luôn muốn tạo ra các chương trình "premium" (cao cấp) nhằm nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất truyền hình trong nước.
Với thị trường giải trí hiện nay, việc phát triển chương trình truyền hình cần sự đầu tư vào nội dung chất lượng, đặc biệt tạo ra sự khác biệt về hình ảnh và trải nghiệm cho khán giả.
Sự thành công của các show quốc tế của BlackPink cũng như những concert nội địa do nghệ sĩ và nhà sản xuất người Việt thực hiện cho thấy sự cởi mở và đón nhận cái mới rất cao của đa số khán giả Việt.
Điều đó cũng cho thấy khán giả ngày nay rất yêu văn hóa Việt, nhưng cách yêu của họ rất khác với thế hệ cha ông xưa. Họ yêu và họ biết tiếp nhận những tinh hoa của các dân tộc khác để có thể dung hòa những cái hay, cái mới vào văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hiểu được điều này, các nhà sản xuất sẽ có những định hướng mới để sản xuất ra những sản phẩm hay và phù hợp với thời cuộc hơn.
Chủ tịch IB Group Vietnam NGUYỄN THÙY DƯƠNG:
Cần chiến lược đầu tư theo chiều sâu
Từ cuối những năm 2000, chúng tôi bắt đầu "mang" nghệ sĩ quốc tế hàng đầu về Việt Nam diễn nhưng những năm tháng đó kinh nghiệm tổ chức sản xuất show quốc tế chưa có.
Trang thiết bị kỹ thuật không đáp ứng được tiêu chuẩn, hạ tầng thiếu, đặc biệt kinh tế còn rất khó khăn. Vì thế thị trường này rất khó để phát triển.
Song từ những năm 2015 tới nay, chúng tôi đã đưa được Kenny G, Boney M, Modern Talking, Smokie, Joy Band..., mới đây là tứ tấu Bond sang.
Những show diễn đều trình diễn trong nhà (indoor), yêu cầu của hệ thống trang thiết bị và kỹ thuật không quá lớn như các show diễn ngoài trời (outdoor).
Với quy mô này thì hiện Việt Nam về cơ bản đáp ứng được phần lớn trang thiết bị kỹ thuật (âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu...).
Có điều một số hệ thống thiết bị đặc thù để thể hiện trung thực nhất chất âm nhạc của một số nghệ sĩ thì chúng tôi phải hợp tác với các đối tác tại Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... để đưa về.
Tuy nhiên với các tour diễn của các ca sĩ hạng A thế giới khác như Taylor Swift, BlackPink, Coldplay... thì Việt Nam chỉ đáp ứng được về hậu cần, một phần bổ trợ về kỹ thuật. Còn lại tất cả các trang thiết bị chính như âm thanh, ánh sáng, hệ thống cơ khí chuyển động cho sân khấu và các nhân sự chính vận hành đều từ ngoài nước.
Trong khi đó, hạ tầng biểu diễn của Việt Nam cho các chương trình với quy mô tham dự lớn thì chưa nơi nào đạt chuẩn quốc tế cho trình diễn âm nhạc đỉnh cao. Nên nói tới ngành công nghiệp biểu diễn của Việt Nam ở thời điểm này phải nói thật là chúng ta vẫn chưa thật sự đầy đủ quy trình.
Sự xuất hiện của BlackPink năm 2023 cho thấy thị trường của Việt Nam rất tiềm năng. Cũng từ đây, những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ trong nước đã có cái nhìn thực tiễn hơn về việc tổ chức sản xuất và vận hành một show diễn lớn.
Nhưng để Việt Nam thực sự có nền công nghiệp biểu diễn đạt chuẩn thế giới thì đầu tiên cần có hạ tầng cho biểu diễn, xây dựng các địa điểm dành cho trình diễn chuyên nghiệp kèm theo dịch vụ hậu cần đi theo.
Chưa kể các chính sách tiếp cận nguồn vốn cho mảng này, chiến lược đào tạo nhân sự, những ưu đãi hỗ trợ phát triển của Chính phủ...
Nếu có chiến lược đầu tư theo chiều sâu thì trong 5-10 năm tới, nước ta sẽ đón được các tour diễn trên.
Làm được điều đó sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho thương hiệu quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ... cũng như thu hút được đầu tư kinh tế, đặc biệt giúp Việt Nam bắt nhịp và phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM NGUYỄN THỊ THANH THÚY:
Cơ chế phối hợp kịp thời
Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã ký kế hoạch liên tịch cùng một số sở ngành, TP Thủ Đức và các quận huyện của TP.HCM về tăng cường phối hợp quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn.
Qua đó đã tạo cơ chế phối hợp kịp thời, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp.
Nói riêng công tác quản lý nhà nước về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đối với những chương trình biểu diễn có quy mô lớn, tập trung đông người, sở thường xuyên phối hợp cùng các sở ngành có liên quan thực hiện kiểm tra.
Đồng thời giám sát trước và trong thời gian tổ chức chương trình để công tác đảm bảo về chất lượng biểu diễn, an ninh, trật tự... được thực hiện tốt.
Ba concert lớn diễn ra cùng trong một buổi tối (19-10) tại TP Thủ Đức: Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai và Hội - Thuần - Hội 2024 đều là những sự kiện âm nhạc quy mô, tầm cỡ và do chính các nhà sản xuất trong nước thực hiện. Đây là những tín hiệu khá tích cực cho thấy thị trường này đang rất rộng mở.
Mặt khác càng khẳng định TP.HCM là một trong những trung tâm âm nhạc nói riêng, trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước nói chung, góp phần đóng góp cho sự phát triển của TP cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và bạn bè quốc tế.
Đồng thời định vị được một điểm đến mới, thú vị, trẻ trung, tươi mới trong bản đồ lưu diễn.
Bài viết Tuổi Trẻ Online - Giải trí - RSS Feed được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này
No comments