Nâng chất phim truyền hình từ 'gu' khán giả
Tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2024, Hãng phim VFC càn quét nhiều giải thưởng. Gặp em ngày nắng đoạt giải Cánh diều vàng, đạo diễn xuất sắc nhất, biên kịch xuất sắc nhất.
Diễn viên Thanh Hương, Tô Dũng, Thanh Quý trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao đoạt giải nữ diễn viên chính, nam, nữ diễn viên phụ xuất sắc. Duy Hưng trong phim Người một nhà nhận giải nam diễn viên chính xuất sắc.
Cánh diều vàng không tiểu tam, tình, tiền
Điểm chung của Gặp em ngày nắng, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Người một nhà là phim không có tiểu tam, hận thù, tình, tiền, tù, tội mà nói về những lát cắt trong xã hội hiện nay, từ nông thôn đến thành thị.
Trailer phim Cuộc đời vẫn đẹp sao
Nhân vật trong các phim có hoàn cảnh, mục tiêu sống khác nhau nhưng họ sống vui, lạc quan, có ý chí vươn lên thoát nghèo. Câu chuyện thấm đậm tình làng nghĩa xóm, tình anh em, bạn bè.
Khi phát sóng, phim luôn nằm trong top phim/chương trình có lượng người xem cao, nhận được những ý kiến phản hồi tích cực từ khán giả.
Đạo diễn Phương Điền, giám khảo giải Cánh diều vàng ở mảng phim truyền hình, cho rằng kết quả không có gì ngạc nhiên vì phim của VFC tốt quá.
Năm nay, phim truyền hình khai thác đề tài gia đình vẫn chiếm đa số.
Điều thú vị là các phim cuốn hút khán giả lại có câu chuyện đơn giản, mang màu sắc tươi sáng, không nhiều kịch tính, bi lụy.
Như hai nhân vật Chải và Pu trong phim Đi giữa trời rực rỡ phát sóng trên VTV3 được yêu thích bởi phim nhẹ nhàng, thông điệp rõ ràng về cuộc sống, tình yêu, sự nghiệp của giới trẻ người dân tộc miền núi.
Còn Hoa sữa về trong gió đang phát sóng những tập đầu tiên trên VTV1 cũng tạo được thiện cảm.
"Xem phim rất đời rất thật. Thoại của diễn viên Thanh Quý làm người ta thấy xốn xang thân thiện, cứ như đang nói chuyện ngoài đời không diễn chút nào", một khán giả chia sẻ.
Phim theo vòng quay của cuộc sống
Biên kịch Quách Thùy Nhung chuyển thể phim Sống để yêu thương (đang phát sóng trên THVL1) cho biết chị đã phải chỉnh sửa kịch bản rất nhiều để thành một bộ phim đúng với cuộc sống và văn hóa người Việt.
"Phim Hàn Quốc có chi tiết nhân vật chính là học sinh tự tử vì không chịu đựng được áp lực. Văn hóa Việt không cổ xúy điều này. Sửa kịch bản là cần thiết bởi ngoài câu chuyện hấp dẫn, phim còn định hướng, tư tưởng lối sống", chị Quách Thùy Nhung nói.
"Một yếu tố khác cũng cần chú ý đó là "gu" khán giả của từng đài", đạo diễn Phương Điền nhìn nhận. Theo ông, những phim phát sóng trên VTV thu hút khán giả nhưng chưa chắc thắng khi phát sóng trên đài Vĩnh Long và ngược lại.
"Khán giả của mỗi đài có cách thưởng thức phim khác nhau nên nhà đài, nhà sản xuất phải nắm bắt được "gu" người xem.
Biên kịch Quách Thùy Nhung cho rằng sự thay đổi của phim truyền hình là điều tất nhiên trong dòng chảy của xã hội.
Như vòng quay của cuộc sống, đề tài phim cũng có thể lặp lại: tâm lý, hình sự, gia đình, phim xưa...
Tùy từng thời điểm, từng giai đoạn phát triển của xã hội mà phim có những nội dung, tình tiết phù hợp.
"Song, để phim truyền hình tiếp cận, thu hút khán giả vẫn mong được tháo gỡ những rào cản kiểm duyệt trong quá trình sản xuất từ kịch bản tới sản xuất", biên kịch này nói.
Bài viết Tuổi Trẻ Online - Giải trí - RSS Feed được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này
No comments