Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và phim Địa đạo: Câu chuyện ở Củ Chi rất rực rỡ
Để mỗi lần trở lại, Bùi Thạc Chuyên lại mang theo một bộ phim chẳng giống ai. Lần này, anh về cùng Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối với sình lầy, rừng cháy, thuốc súng và những ngày ngột ngạt hơn nửa thế kỷ trước.
Phim lấy bối cảnh năm 1967, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ác liệt nhất. Đội du kích 21 người do Bảy Theo (Thái Hòa đóng) chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông trở thành mục tiêu tìm và diệt số 1 của quân đội Mỹ khi nhận nhiệm vụ bảo vệ một nhóm tình báo.
Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối vừa ra mắt teaser poster ngày 2-9, hé lộ nhân vật Út Khờ (Hằng Lamoon đóng) sau nhân vật Bảy Theo. Đồng thời ấn định ngày khởi chiếu 4-4-2025, ba tuần trước dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước 30-4-2025.
“Tôi như phát rồ”
* Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối có phải là phim mà Bùi Thạc Chuyên “thai nghén” lâu nhất không?
- Điều đó không quan trọng bằng việc nó mang lại cho mình năng lượng như thế nào. Khi những ý tưởng về Địa đạo lóe lên, thú thực tôi gần như phát rồ và viết kịch bản nhanh kinh khủng.
Sau phim ngắn về du lịch Củ Chi 10 năm trước, tôi chơi khá thân với anh em địa đạo Củ Chi - Bến Dược.
Cứ một thời gian, tôi lại bay vào Nam, đến địa đạo, đi lang thang khu vực đó, chui xuống chỗ nọ chỗ kia, xuống cả những đường hầm không cho du khách xuống.
Ở Nhà khách địa đạo Bến Dược ban đêm rất vắng, một mình tôi ở nguyên một tòa nhà mênh mông. Chợt nghĩ tại mảnh đất này mỗi một mét đất đều có những người nằm xuống…
Nghĩ thế thôi, một kịch bản phim lớn về Củ Chi bắt đầu nảy ra. Tôi từng ngồi trong những hội thảo nhưng gần như quên hết tất cả mọi sự xung quanh, chỉ tập trung viết vì Củ Chi quá ám ảnh. Tôi viết như lên đồng.
Năm 2014, tôi thực hiện phỏng vấn những nhân chứng từng chiến đấu ở Củ Chi cũng như tìm những tư liệu lịch sử liên quan; tới năm 2016 thì viết xong kịch bản.
* Trong quá trình gặp gỡ nhân chứng, có câu chuyện nào thú vị?
- Thú vị thì nhiều. Chẳng hạn có một chú kể chuyện đào địa đạo năm 1959. Hồi đó, chú phân công cho một đôi yêu nhau đào hai đầu địa đạo. Hai người yêu nhau nên cố đào mau mau để gặp nhau ở giữa.
Tôi hình dung với một ngọn đèn dầu trong đường hầm tối, họ cứ đào mãi rồi họ gặp nhau, nhìn nhau qua lỗ thủng. Tôi thấy đó là một hình ảnh rất đẹp. Có gì đó rất con người. Những câu chuyện như thế không thể bịa ra nổi, chỉ có những ai có trải nghiệm với Củ Chi mới hiểu.
Tôi đưa chuyện này vào nhưng vì phim dài quá, đành phải cắt bớt những chi tiết không tập trung vào câu chuyện chính. Có điều tôi giữ lại những đoạn phim ngắn kiểu đó sau này chiếu cho khán giả xem để mọi người hiểu hơn về phần lịch sử không phải ai cũng biết đó.
Cánh đạo diễn mà ước… thì khiếp lắm
* Từ đầu, anh đã nhắm vai Bảy Theo cho diễn viên Thái Hòa?
- Không phải. Lúc đầu Bảy Theo trông trẻ hơn bởi tôi cứ hình dung những du kích Củ Chi thời đó chủ yếu là người trẻ.
Song khi casting mới có một định hình mới về dàn diễn viên. Khi đó, Thái Hòa là một phương án tốt. Tất cả các đạo diễn đều cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc với một diễn viên giỏi như Thái Hòa.
* Thái Hòa hòa nhập kịch bản nhanh không?
- Rất nhanh. Thái Hòa cũng rất thích bộ phim này. Bạn ấy chia sẻ những suy nghĩ của bạn ấy về cuộc chiến, thậm chí cho tôi xem cả một hồi ký của người thân trong gia đình. Họ từng hoạt động và chiến đấu ở Củ Chi giai đoạn đó.
Tôi thích tiếp xúc với những nguồn tư liệu nguyên bản như vậy. Chính những điều đó giúp tôi hiểu về địa đạo tốt hơn.
* Phim lịch sử hay chiến tranh cách mạng ở ta thường bị chê về bối cảnh… Nghe kể, đoàn phim dựng hẳn cả một mô hình địa đạo để quay cho đã? Điều đó đã thỏa mãn anh chưa?
- Nói chung vẫn phải liệu cơm gắp mắm. Còn nói thỏa mãn thì chưa đâu. Nếu để cánh đạo diễn ước… thì khiếp lắm.
* Anh làm việc với các diễn viên ra sao?
- Ngoài vấn đề sức vóc, cân nặng, cách tập luyện, làm quen với địa đạo, tôi cũng phải nói chuyện với họ về tâm trạng, tâm lý của những người lính trong chiến tranh, những người mà sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau trong gang tấc.
ĐỊA ĐẠO: MẶT TRỜI TRONG BÓNG TỐI
“Hòa bình không phải là điều nghiễm nhiên”
* Phim dự kiến phát hành vào tháng 4 năm sau, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Bùi Thạc Chuyên, gia đình anh, miền Nam, 30-4-1975 có một mối liên quan với nhau như thế nào?
- Tôi nhớ mãi một chuyện hồi 2007, 2008 khi mang Sống trong sợ hãi - một bộ phim nói về cuộc sống của một người lính thời hậu chiến - chiếu ở một trường đại học tại Mỹ. Tại buổi chiếu đó, có một số Việt kiều biểu tình rất lớn.
Lúc đó có một giáo sư người nước ngoài giơ tay phát biểu. Bà nói: “Việt Nam hạnh phúc hơn chúng tôi vì các bạn đã thống nhất. Từ đáy lòng mình, tôi không muốn nhìn thấy người Việt Nam tiếp tục đối đầu nhau ở bất cứ đâu”.
Nghe bà ấy nói, tôi cảm nhận được sự quý giá của việc thống nhất. Đấy là phúc lành của đất nước mình.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc và hòa bình thống nhất đã đến với người Việt Nam vào ngày 30-4-1975.
Với một lịch sử gần, 50 năm thôi, chưa phải là xa lắm song có lẽ cũng có nhiều điều cần phải nhớ, kẻo dần chìm vào quên lãng.
Có những người nghĩ hòa bình là điều nghiễm nhiên có. Không phải đâu. Đó không phải là một thứ miễn phí mà là thứ mà cha ông đã phải đánh đổi, trả giá.
* Từng có những phim Đông Dương hoặc phim Mỹ làm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhưng vẫn bị cho là cái nhìn của kẻ ngoại cuộc, xứ lạ. Với Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, Bùi Thạc Chuyên muốn gửi gắm gì?
- Góc nhìn của người Việt Nam trong cuộc chiến đó. Chúng ta là những người tự quyết số phận của bản thân mình, tự quyết định định mệnh của dân tộc mình.
Xem Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, khán giả sẽ cảm nhận được sức mạnh của người Việt Nam, sẽ hiểu thêm về chiến tranh nhân dân của người Việt Nam.
* Cảm ơn đạo diễn.
Bài viết Tuổi Trẻ Online - Giải trí - RSS Feed được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này
No comments