Breaking News

Việt Nam có hơn 500 hãng phim nhưng chỉ 30 tới 40 hãng hoạt động

Bà Ngô Phương Lan chia sẻ về điện ảnh Việt Nam tại bàn tròn - Ảnh: ANH VŨ

Bà Ngô Phương Lan chia sẻ về điện ảnh Việt Nam tại bàn tròn - Ảnh: ANH VŨ

Bà Ngô Phương Lan đồng thời là giám đốc của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 (DANAFF II). Bàn tròn trên nằm trong khuôn khổ DANAFF II, diễn ra tới hết ngày 6-7 tại Đà Nẵng.

Sự kiện có các chia sẻ của những chủ tịch, giám đốc, người đứng đầu các hạng mục của một số liên hoan phim quốc tế uy tín được tổ chức tại các thành phố ven biển như ông Park Kwang Su - chủ tịch Liên hoan phim Busan, ông Kim Dong Ho - cựu chủ tịch, sáng lập Liên hoan phim Busan, ông Georges Goldenstern - nguyên giám đốc chương trình Cinefondation của Liên hoan phim Cannes.

Còn có bà Lorna Tee - tổng thư ký mạng lưới điện ảnh châu Á - AFAN, đồng sáng lập và điều hành Liên hoan phim Macau, ông Charles Tesson - nguyên giám đốc nghệ thuật hạng mục Critic Week, Liên hoan phim Cannes, ông Jean Mark Theroanne - đồng sáng lập, đồng giám đốc Liên hoan phim châu Á Versoul (Pháp)…

Qua đó có những "hiến kế" cho TP Đà Nẵng và DANAFF - liên hoan phim trẻ, mới gia nhập vào hệ thống các liên hoan phim bờ biển từ năm ngoái.

"Liên hoan phim trẻ nên phải chấp nhận"

Bà Lan nói DANAFF sẽ cố gắng tổ chức một liên hoan phim thường niên theo chuẩn quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Cụ thể, một trong số đó là với hạng mục Phim châu Á dự thi, ban tổ chức sẽ tuyển phim nghệ thuật; song ở hạng mục Phim Việt Nam dự thi, bên cạnh những phim nghệ thuật sẽ có những phim thương mại, có doanh thu phòng vé cao. "Buộc phải thế", bà nói.

"Và thực sự phim nghệ thuật cũng chỉ có chừng đó và đưa vào hết rồi", đại diện DANAFF II cho biết thêm.

Bà cũng cho rằng qua các kỳ liên hoan phim, với sự đánh giá chính xác, khích lệ từ các vị giám khảo thì các nhà làm phim thương mại đến với DANAFF, ngoài làm phim phục vụ công chúng thì có thêm mục tiêu khác đó là quan tâm tới ngôn ngữ nghệ thuật nhiều hơn.

Theo bà Ngô Phương Lan, DANAFF là liên hoan phim trẻ, mới ở chặng đầu nên phải chấp nhận, để rồi từng bước vun trồng những phim có giá trị nghệ thuật.

Phim Mai của Trấn Thành thu hơn 500 tỉ đồng - Ảnh: ĐPCC

Phim Mai của Trấn Thành thu hơn 500 tỉ đồng - Ảnh: ĐPCC

"Điện ảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc phim nhập"

Bà chia sẻ: "Số lượng các nhà sản xuất phim của Việt Nam cũng không nhiều. Có hơn 500 hãng phim, giấy phép hoạt động để đó. Con số các hãng phim hoạt động thực sự chỉ có từ 30 - 40 hãng phim".

Theo đó, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 - 40 phim, chưa đến 50 phim.

"Việt Nam vẫn chưa phải là một nền điện ảnh phát triển. Năm vừa qua có các phim ăn khách như Mai (Trấn Thành), Lật mặt 7: Một điều ước (Lý Hải) đã nâng thị phần điện ảnh Việt Nam lên 40%. Trước đó luôn dưới 30%. Nói chung thị trường điện ảnh vẫn đang phụ thuộc nhiều vào phim nhập", bà nhận định.

Lật mặt 7 của Lý Hải cùng phim Mai của Trấn Thành đưa thị phần điện ảnh Việt Nam lên mốc 40% - Ảnh: ĐPCC

Lật mặt 7 của Lý Hải cùng phim Mai của Trấn Thành đưa thị phần điện ảnh Việt Nam lên mốc 40% - Ảnh: ĐPCC

Giám đốc DANAFF II mong các đại biểu đến từ các liên hoan phim quốc tế uy tín - qua thực tiễn tổ chức và hoạt động - gợi ý, tư vấn cho chính quyền TP Đà Nẵng và DANAFF để xây dựng một chiến lược hợp tác hành động bài bản, lâu dài, để biến DANAFF thành một liên hoan phim quốc tế quan trọng của khu vực.

Đồng thời, bà cũng mong Đà Nẵng và DANAFF thành điểm kết nối các thành phố liên hoan phim ven biển trong khu vực và trên thế giới.



Bài viết Tuổi Trẻ Online - Giải trí - RSS Feed được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này

No comments