Thượng Hải qua lăng kính Phồn hoa của Vương Gia Vệ
Phồn hoa tái hiện Thượng Hải những năm 1990, đây là điểm mới, khác biệt so với những bộ phim về Thượng Hải trước đây.
Phồn hoa là câu chuyện vươn lên làm giàu của nhiều thanh niên giai đoạn ấy như: A Bảo, Uông tiểu thư, Linh Tử, Ngụy tổng...
Nhiều người xem ở Trung Quốc tỏ ra thích thú khi được nhìn ngắm lại hình ảnh của Thượng Hải xưa và đối chiếu với hình ảnh Thượng Hải ngày nay.
Năm 1991, tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu được khởi công xây dựng. Năm 1993, qua góc cửa sổ của khách sạn Hòa Bình nơi Bảo tổng (nhân vật do Hồ Ca đảm nhận) ở đó có thể nhìn thấy công trình này vẫn đang xây dựng.
Phía đông của sông Hoàng Phố (Thượng Hải) khi ấy vẫn chưa phải là nơi quy tụ của những tòa tháp chọc trời như bây giờ.
Một địa điểm thường xuyên xuất hiện trong phim là phố Hoàng Hà. Con phố của những nhà hàng, địa điểm ăn uống đông vui tấp nập với ánh đèn neon lung linh sắc màu.
Trên thực tế phố Hoàng Hà rất ngắn, chỉ có độ dài 755m nhưng năm 1992 đây chính là phố ẩm thực của Thượng Hải.
Phố Hoàng Hà tuy ngắn nhưng ở giai đoạn đỉnh cao đã từng có hơn 90 nhà hàng, quán ăn ở trên con phố này.
Nhà hàng lớn nhất trên con phố này là Đài Thánh Viên, thực tế đây cũng chính là mô hình nhà hàng của Lý Lý được tái hiện trong phim với tên Chí Chân Viên.
Uông tiểu thư (Đường Yên) làm việc tại Cục Ngoại thương Thượng Hải, địa chỉ tại số 27 đường Trung Sơn Đông Nhất trên bến Thượng Hải. Trong phim thường được gọi tắt là "số 27".
Thực chất công trình kiến trúc cổ kính này từng có tên là tòa nhà Jardine Matheson, vào năm 1955 tòa nhà này được quốc hữu hóa và trở thành trụ sở của Cục Ngoại thương Thượng Hải.
Cách tòa nhà số 27 tầm 200m là khách sạn Hòa Bình, nơi ở của Bảo tổng trong phim. Cả hai tòa nhà này đều nằm ở phía bờ tây sông Hoàng Phố, trên bến Thượng Hải, địa điểm tham quan tấp nập nhất của thành phố này.
Blossoms Shanghai Trailer
Cũng ở sát gần bến Thượng Hải là phố đi bộ Nam Kinh. Giai đoạn những năm 1990, phố Nam Kinh vẫn chưa phải là tuyến phố đi bộ, nhưng đây đã là con phố thương mại sầm uất nhất của Thượng Hải. Trung tâm thương mại Hộ Liên nằm trên con phố này.
Xem Phồn hoa đã có khán giả bình luận rằng: "Phồn hoa ý nghĩa ở chỗ giúp người ta nhớ lại Thượng Hải của những năm 1990.
Bộ phim nhắc tôi nhớ lại hình ảnh mẹ ngồi bên máy khâu con bướm, kỳ cạch sửa quần áo, nhớ lại những chiếc kẹo sữa thỏ trắng của tuổi ấu thơ".
Ở một góc nhìn khác, Phồn hoa của đạo diễn Vương Gia Vệ không chỉ phục dựng bối cảnh Thượng Hải mà còn tái hiện những trào lưu văn hóa, ẩm thực, thời trang của thập niên 1990.
Trong phim đã sử dụng đến 57 ca khúc thịnh hành trong giai đoạn đó. Những bài hát nổi tiếng của Khương Dục Hằng, Trương Học Hữu, Phí Tường, Mai Diễm Phương, Triệu Truyền... trở thành nhạc nền gắn với từng nhân vật trong Phồn hoa.
Nói như Hồ Ca là "không ai muốn bỏ lỡ cơ hội tham gia phim của đạo diễn Vương Gia Vệ" và cũng chỉ có Vương Gia Vệ mới có thể mang đến cho người xem một Thượng Hải đan xen nhiều góc cạnh văn hóa và trào lưu ở một giai đoạn đến như vậy. Điểm trên Douban của Phồn hoa tiếp tục tăng lên 8,4 điểm, dự báo sẽ trên 9 điểm.
Bài viết Tuổi Trẻ Online - Giải trí - RSS Feed được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này
No comments