Thời dị biệt 100 năm có 1: Ra chợ toàn cầu, Việt Nam lập kỷ lục hiếm có
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 600%.
Vào thời điểm đầu năm nay, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và bắt đầu xuất hiện ở nước ta, xuất khẩu nông sản sang thị trường 1,4 tỷ dân này gần như bị tê liệt. Lúc đó, hàng loạt mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng, giá giảm mạnh, hàng ồn ứ vì không thể xuất khẩu.
Giữa lúc khó khăn ấy, Tổng cục Hải quan công bố số liệu về xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo đó, ngành này có sự tăng trưởng ấn tượng khi các khách hàng lớn của gạo Việt trên thế giới đều tăng mua. Kết quả, hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt gần 430,5 triệu USD, tăng tới 31,7% về sản lượng và 39,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2019.
Đáng chú ý, 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo Việt sang Trung Quốc đạt tới 66.222 tấn, tổng kim ngạch hơn 37 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 9.534 tấn, trị giá hơn 4,5 triêu USD.
Ngành gạo Việt Nam có một năm đại thắng khi trúng mùa trúng cả giá |
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc gấp gần 7 lần, tương đương tốc độ tăng trưởng lên đến gần 600% (tăng thêm 56.688 tấn). Trong khi kim ngạch gấp hơn 8 lần, tương đương tốc độ tăng trưởng hơn 700%.
Đây là con số cực kỳ ấn tượng của ngành gạo Việt xuất khẩu, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Bởi, những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, có tác động không nhỏ đến lưu thông hàng hóa toàn cầu và người dân có tâm lý tích trữ lương thực.
Cá ngừ Việt xuất khẩu sang Ý tăng 8.600%
Sau con số ấn tượng của xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, cá ngừ Việt Nam tiếp tục tạo dấu ấn lịch sử khi xuất khẩu cá ngừ sang Ý trong tháng 9 năm nay đạt hơn 5,5 triệu USD, tăng gần 8.600% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con cá ngừ Việt có 1 năm lịch sử hiếm có tại Ý |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận, đây là mức tăng trưởng hiếm có trong lịch sử xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2020 khi các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều bị sụt giảm mạnh.
Cơ quan này cũng lý giải, do ảnh hưởng của Covid-19, nguồn cung cá ngừ từ Eculador, Solomon bị hạn chế khiến các nhà nhập khẩu châu Âu, đặc biệt từ các nước có ngành sản xuất cá ngừ đóng hộp phát triển như Ý, tìm nguồn cung thay thế.
Việc EVFTA có hiệu lực đã khiến các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh các lô hàng xuất khẩu.
Gỗ Việt phá kỷ lục, thu về 13 tỷ USD
Cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thậm chí có thời điểm thị trường xuất khẩu gần như “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp thông báo đơn hàng giảm tới 50-80%, song xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam lại có cú lội ngược dòng ngoạn mục, tiếp tục phá kỷ lục của năm 2019.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn thông báo, tính đến 11/2020, tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 11,7 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với 10,1 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Đích phấn đấu đặt ra cao nhất khi chưa có dịch Covid-19 là 13 tỷ USD, tính đến nay dù xảy ra dịch bệnh song chắc chắn chúng ta đạt được con số này.
Năm nay xuất khẩu gỗ tiếp tục phá kỷ lục năm 2019, thu về 13 tỷ USD |
Theo ông Tuấn, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới toàn ngành lâm nghiệp như các ngành kinh tế khác, nhất là trong tháng 3-4 và nửa đầu tháng 5 khi đơn hàng giảm, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị đứt gãy ảnh hưởng tới sản xuất. Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đến các bộ, ngành về tín dụng, giãn thuế, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất,… tạo ra nguồn sức mạnh lớn, niềm tin cho các doanh nghiệp.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, cái khó “ló ra nhiều cái khôn”. Khi không bán được hàng trực tiếp các doanh nghiệp liền chuyển sang giao dịch qua Internet, bán hàng online. Có doanh nhân sẵn sàng thế chấp tài sản cá nhân để giữ chân người lao động. Nhờ đó, lao động không bỏ việc, nhảy việc.
Kết quả, ngành lâm nghiệp hoàn thành xuất sắc mục tiêu, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 13 tỷ USD. Con số này bù đắp cho sự suy giảm của thủy sản, cà phê, tiêu, điều, cao su, chè, chăn nuôi… tiếp tục đưa nông nghiệp tăng trưởng dương về giá trị xuất khẩu.
T.An/VietNamNet
No comments