Breaking News

Một nghề thì sống, đống nghề càng... sống khỏe

Nhờ những phương án dự phòng và đa dạng kỹ năng từ nhiều ngành nghề, trong bão khó khăn từ Covid-19 bủa vây, những người này chủ động vượt ải khó khăn.

Cựu tuyển thủ quốc gia dạy học, bán đồ công nghệ

Sáng dạy tennis, chiều đi giao điện thoại di động, sim, máy tính xách tay, tối về đi dạy tiếp, khuya vẫn trả lời khách hàng mua sắm trực tuyến, 24 giờ một ngày với cựu tuyển thủ quần vợt quốc gia Lâm Quang Trí (34 tuổi) là quá ít ỏi.

Lâm Quang Trí bắt đầu đến với trái banh nỉ từ năm 12 tuổi. Sinh ra trong gia đình nòi thể thao, Trí được thừa hưởng tinh thần, ý chí bền bỉ. Tay vợt từng vô địch đơn nam quốc gia năm 2014, vô địch đôi nam quốc gia năm 2015 và 2016, tham gia Davis Cup 2015...

Nhiều năm qua, Trí là người dạy tennis có tiếng ở TP.HCM. Học viên của anh đa dạng, từ học sinh tiểu học tại các trường quốc tế, những người trẻ mê trái banh nỉ cho tới những người quản lý tại nhiều doanh nghiệp. Một ngày của Trí bắt đầu từ sáng sớm. Anh dạy tennis từ 6 - 9 giờ, và từ 15 - 19 giờ. Thời gian còn lại, anh tập trung vào việc kinh doanh sản phẩm đồ công nghệ.

Từ năm 2007, khi mà mua bán trực tuyến còn xa lạ với nhiều người ở Việt Nam thì Trí đã đăng bán điện thoại di động “cục gạch”… trên nhiều diễn đàn. Sau này, sản phẩm hàng công nghệ nâng cấp dần lên theo thị trường, từ mới tới cũ, từ smartphone, sạc dự phòng, cục phát wifi trên xe hơi… Muốn làm việc hiệu quả nhất, ông chủ trẻ tham gia các khóa học marketing trực tuyến và khai thác bán hàng trên các kênh mạng xã hội hiệu quả, đồng thời mở thêm cửa hàng.

“Tôi yêu thích đồ công nghệ, đam mê nên sẽ đủ am hiểu để nhận diện hàng chuẩn. Chữ tín rất quan trọng”, Lâm Quang Trí nói và cho hay may mắn là anh theo đuổi một lúc 2 nghề.

Trong dịch Covid-19, hai công việc trên cũng bổ trợ cho nhau nhiều. Khách hàng mua sản phẩm của Trí là người cùng mê trái banh nỉ. Trong khi đó, dạy tennis không chỉ cần trình độ, mà còn cần khả năng nắm bắt tâm lý, kỹ năng giao tiếp, kiến thức nhiều lĩnh vực để tiếp xúc với nhiều học viên ở các trình độ khác nhau. Điều này lại rất tốt cho kinh doanh.

Công việc bận rộn, có ngày vừa buông vợt thì tay cầm điện thoại trả lời khách hàng tới tấp, nhưng bù lại, đa ngành nghề cho Trí thu nhập dồi dào hơn. “Quan trọng nhất, tôi được kết nối với nhiều người hơn, sống cuộc đời hạnh phúc hơn khi là chính mình”, Trí bộc bạch.

Hai vợ chồng mở tiệm nước ép, quản lý công ty

Khu D3, cư xá Phú Lâm B, Q.6, TP.HCM san sát những tiệm nước ép, cà phê. Nổi bật trong số đó là gian nhà sơn màu vàng, phía trước là chiếc xe với đủ loại trái cây xếp bắt mắt. Hai vợ chồng Nguyễn Kiên Cường và Phan Thị Ngọc Châu (thạc sĩ về môi trường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) bắt đầu bán hàng vào 1.4.2020, đúng ngày toàn TP.HCM giãn cách xã hội vì Covid-19. Cũng vì thế mà tiệm nước ép chuyên bán đồ mát lấy tên là “Điểm nóng”, ghi nhớ một ngày rất đặc biệt của Việt Nam trong đại dịch.

“Chúng tôi khai trương trong tiếng thở dài của nhiều người thân, “bao nhiêu cửa hàng phá sản, chúng nó thì đi khởi nghiệp”. Lúc đó, chỉ bán hàng mang về, giao nước tận nhà. Khó khăn cũng là cơ hội của mình”, Cường nói.

Cường từng có nhiều năm làm trong ngành ăn uống, từ người pha chế, phục vụ, tới lắp đặt thi công các quán cà phê, nhà hàng. Khi dịch Covid-19 ập đến Việt Nam, nhà hàng quán ăn đóng cửa, không có ai thuê, Cường mang vốn liếng học được tự mở tiệm nước ép, lấy tiêu chí ngon, sạch, phục vụ tận tâm.

“Mở hàng lúc 7 giờ sáng, bán tới 11 giờ đêm, ăn vội chén cơm, tôi chạy xuống chợ đầu mối Bình Điền lấy trái cây. Có đêm, đang về thì nổ lốp xe, gần 200 kg trái cây suýt lăn hết ra đường. Vợ xuống chở hàng về, tôi dắt xe, về tới nhà là 3 giờ sáng, vừa mệt rã rời vừa lo bị cướp”, Cường kể lại những khó khăn. Nửa năm trôi qua, doanh thu đều đặn tăng hằng tháng là động lực để hai vợ chồng cố gắng nhiều hơn.

Không chỉ làm 1 nghề đó, với nguồn hạt cà phê rang xay có sẵn, Cường đi bỏ mối tại các tiệm đồ uống. Đồng thời, hai vợ chồng anh mở một công ty riêng, chuyên về tư vấn, làm hồ sơ cho các công ty về vấn đề liên quan môi trường.

“Công ty mở từ năm 2017. Khi dịch Covid-19 tới, rất ít người làm hồ sơ thì chúng tôi tập trung bán nước ép. Bây giờ mọi thứ dần ổn trở lại, chúng tôi thu xếp thời gian để có thể quán xuyến một lúc nhiều nghề”, Châu nói.

Hai bạn trẻ cho hay đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều thứ, trong đó có quan niệm “một nghề thì sống, đống nghề càng… sống khỏe”.

“Đống nghề thì giúp người trẻ tự chủ tài chính hơn, phát triển nhiều kỹ năng hơn. Tuy nhiên, người trẻ phải chấp nhận làm việc nhiều hơn, vất vả, khổ cực hơn. Đồng thời, phải tỉnh táo chọn công việc mà mình có thế mạnh nhiều nhất”, Châu trao đổi.

Nên tập trung vào mấy nghề ?

Chị Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc của Talentnet (Q.1, TP.HCM), đơn vị cung cấp giải pháp quản trị nguồn nhân lực, cho biết khi đa ngành nghề, người trẻ đa dạng các kỹ năng và có những phương án dự phòng. Việc sử dụng các kỹ năng phụ này giúp người lao động tự chủ về tài chính và nhu cầu lao động hơn khi đối mặt với những thay đổi, cả chủ động lẫn bị động. Việc này cũng giúp họ có thêm trải nghiệm cọ xát thực tế và mài giũa các kỹ năng được sắc nét hơn.

Chị Trinh cho biết các bạn trẻ ngày nay rất năng động và có nhiều nghề tay trái đa dạng và thú vị. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao nhất cho những công việc này một lúc, nhất thiết phải xác định được thứ tự ưu tiên của mình, hiểu rõ đam mê và hoài bão bản thân, chọn lựa con đường sự nghiệp rõ ràng.

“Tôi khuyến khích các bạn trẻ nên chọn cho mình 1 đến 2 công việc chiến lược để phát triển dài hạn và lâu bền, còn các công việc khác có thể tùy vào sở thích và năng lực cá nhân”, chị Trinh trao đổi.



Bài viết Người nổi tiếng - Thông tin tổng hợp người nổi tiếng được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này

No comments