Breaking News

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và kỳ tích nhận Huân chương Lao động cho một ca khúc

nhac-si-pham-tuyen2-15790893390661180380126.jpg

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và món quà người bạn Mỹ tặng ông. Ảnh: TL

Dự đoán trước ngày thống nhất đất nước

Ở tuổi 90, sức khoẻ mỗi ngày yếu hơn nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn giữ được sự minh mẫn và cách nói chuyện của ông vô cùng hóm hỉnh. Ông bảo: "Tôi là nhạc sĩ hạnh phúc vì ở tuổi này, các bạn của tôi phần lớn mất hết rồi. Sinh nhật của tôi lại vào mùa xuân nên mỗi năm tôi đều được chúc mừng rất đặc biệt, đó là nghe lại các ca khúc của mình trên sóng phát thanh, trên đài truyền hình. Thật may mắn và tự hào vì mùa xuân của tôi gắn với mùa xuân của Đảng. Và những thành tựu tôi có được hôm nay cũng là nhờ lý tưởng Đảng soi chiếu…".

Có một ca khúc nhạc sĩ Phạm Tuyên viết về niềm vui thống nhất đất nước năm 1975 nhưng cho đến nay, người ta có thể hát trong bất cứ dịp nào thấy hân hoan, đó là "Như có Bác trong ngày đại thắng". Nói về ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: "Thế hệ chúng tôi, năm nào cũng được nghe Bác Hồ chúc Tết trên sóng phát thanh. Tôi viết ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" vào đêm 28/4/1975, khi nghe bản tin một phi công của Việt Nam là Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi nghĩ, ném bom thế này thì khả năng giải phóng gần lắm rồi. Vậy là cả đêm hôm ấy tôi không ngủ, nhớ đến câu nói của Bác: "Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn" và viết một mạch bài "Như có Bác trong ngày đại thắng"".

Chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong ca khúc. Ông bảo: "Cảm xúc lúc đó đặc biệt lắm. Nói ra thì hơi duy tâm nhưng quả thật là tôi viết như là của ai đó chứ không phải của mình. Câu chữ cứ tự nhiên hiện ra. Từ lúc viết cho đến khi thành ca khúc hoàn thiện, tôi không phải sửa một chữ nào. Lúc đó không chỉ là tình cảm của mình mà tôi nghĩ đến tình cảm người dân cả nước.

Sáng hôm sau (ngày 29/4/1975), tôi mang bản nhạc lên Đài Phát thanh để thu. Giám đốc Đài lúc đó là nhà báo Trần Lâm nói: "Bài hay lắm nhưng nếu cho thu bây giờ thì sẽ mang tiếng là "lạc quan tếu", vì đã thống nhất đâu. Để dành đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ rồi thu vậy". Nhưng đến ngày 30/4/1975 thì tin chiến thắng tràn đi khắp nơi. Giám đốc bảo tôi đưa bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" để tốp ca của đoàn ca nhạc thu gấp, phát trong bản tin đặc biệt. 17h, Trung ương công bố tin đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam ra toàn thế giới. Đài Phát thanh phát tin xong là mở bài "Như có Bác trong ngày đại thắng". Bản thu đó do nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy, tốp ca vừa hát vừa khóc vì mừng quá. Nhịp điệu của bài hát là sự reo vui của một con tim - tác giả - nhưng đã được sự cộng hưởng của hàng triệu trái tim Việt Nam trong niềm khát khao chiến thắng.

Điều đặc biệt nữa là vào ngày 2/5/1975, trên Báo Nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có bài viết nêu bật ý nghĩa của chiến thắng lịch sử với nhan đề đúng với tên gọi của bài hát: "Như có Bác trong ngày đại thắng".

Tấm Huân chương và bữa liên hoan cháo gà

ban-nhac-chep-tay-1579089339062862998039.jpg

Bản viết tay ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Trước sự lan toả của ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng", Giám đốc Trần Lâm nói với nhạc sĩ Phạm Tuyên rằng chưa có ca khúc nào vừa ra đời mà được cả nước hát như vậy, có khi phải đề nghị tặng Huân chương. Nhưng từ trước đến nay chưa hề có tiền lệ này và 10 năm sau (năm 1985) thì nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng Huân chương Lao động cho bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng".

Có một kỷ niệm vui liên quan đến phần thưởng cao quý này mà đến nay ông vẫn nhớ: "Vì là lần đầu tiên một nhạc sĩ được trao Huân chương Lao động cho một bài hát nên ai cũng nghĩ đi kèm sự đặc biệt đó phải là một "khoản" to lắm. Nhưng thực ra chỉ có giá trị tinh thần thôi. Lúc đó, nhà tôi có nuôi vài con gà trên sân thượng, tôi nấu mấy nồi cháo gà để thết đãi bạn bè. Đời tôi chỉ biết có sáng tác, không có mong muốn nào hơn cả...".

Khi viết "Như có Bác trong ngày đại thắng", nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng không thể ngờ đến sức lan tỏa của nó lại vượt qua ranh giới quốc gia, dân tộc và được nhiều người nước ngoài yêu Việt Nam hát. Trong dịp giao lưu văn nghệ Huế - Sài Gòn, có đoàn Nhật Bản xin cùng tham gia. Những vị khách đặc biệt đã hát tặng khán giả hai bài hát là "Hoa Anh đào" (bài hát của Nhật Bản) và "Như có Bác trong ngày đại thắng". "Tôi rất cảm động và bất ngờ. Lúc sau, nữ du khách ấy có nói, với cô, ca khúc chính là thông điệp của Việt Nam truyền ra thế giới: Một đất nước nhỏ bé nhưng đã chiến thắng hai đế quốc lớn", nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.

Một kỷ niệm nữa mà ông còn nhớ là có dạo, bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" được mang ra làm bài học cho môn Lịch sử, tức là dạy lịch sử qua bài hát. Chẳng hạn câu "30 năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công". Tại sao lại là "dân chủ cộng hoà"? Học sinh sẽ phải tìm hiểu. Rồi "30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông" là tính từ năm nào đến năm nào? Nhờ đó học sinh sẽ biết đó là khoảng thời gian đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước từ năm 1945-1975. Hay, điệp khúc "Việt Nam - Hồ Chí Minh" vì sao lặp lại nhiều lần? Ngoài việc người viết nghĩ đến câu nói của Bác, để Bác luôn hiện diện và cùng vui với toàn dân như Bác hằng mong ước "Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn", nó còn hàm chứa nhắc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó là những "từ khoá" để gợi mở học sinh phải tìm hiểu về các giai đoạn của lịch sử. Nhờ tự tìm hiểu mà học sinh được kích thích sự tìm tòi, thấy học lịch sử sinh động, thú vị chứ không còn học một cách thụ động nữa.

Suốt đời lòng dặn giữ lời…

Trong số những bài hát viết về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có một ca khúc không nhắc một chữ nào đến Đảng nhưng khi nghe thì ai cũng biết là bài hát nói về sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin của nhân dân dành cho Đảng.

Ông kể: "Lúc đó là năm 80, tôi vào Sài Gòn. Trong không khí kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền tâm sự với tôi rằng đang có những vụ việc tiêu cực, khiến cho niềm tin của Đảng bị suy giảm. Ý tưởng nảy ra, cả tôi và anh đều có chung một suy nghĩ rằng cần động viên tinh thần nhân dân để giữ niềm tin sắt son với Đảng. Hôm sau, trước giờ ra sân bay về Hà Nội, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền đưa cho tôi bài thơ mới viết có tên rất giản dị là "Màu cờ tôi yêu". Suốt khoảng thời gian ngồi trên máy bay, tôi cứ lẩm nhẩm bài thơ ấy và thấy nó như một bản nhạc sẵn vậy. Ca từ được viết với tình cảm thiết tha, sâu lắng nhưng vô cùng trong sáng, tươi tắn, phù hợp với không khí của cả nước đón mùa xuân trong giai đoạn đòi hỏi Đảng phải có những đổi mới để phù hợp với tình hình của đất nước lúc bấy giờ.

"Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hi vọng chói ngời tim ta/ Thênh thang trên bước đường đời/ Màu cờ đỏ vẫn thấm màu lòng tôi/Ru em trong ánh mặt trời...". Tôi phổ thơ và đưa cho ca sĩ Thanh Hoa và Lê Dung thu đầu tiên. Tôi hỏi hai cô, trong bài hát này thì thích đoạn nào nhất? Các cô ấy cười nói: "Cả bài này đoạn nào bọn em cũng thích, nói về Đảng nhưng rất nhẹ nhàng". Tôi bảo, khi hát đến câu "Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau" thì các cô hát chậm lại để tạo thành điểm nhấn cho bài. Tôi nghĩ, câu lục bát ấy nhắc một điều, lúc này Đảng đang gặp nhiều khó khăn, đang cần phải đổi mới, chúng ta phải đoàn kết lại để tạo điều kiện cho sự đổi mới và phát triển của Đảng ta". Sau đó, bài hát được chọn phát trên Đài Truyền hình trong dịp Tết Canh Thân 1980 và trở thành ca khúc được yêu thích trong kho tàng ca khúc về Đảng.

Ngoài Huân chương Lao động, trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn được trao nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2001, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho cụm 5 tác phẩm: “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Bám biển quê hương”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ”, “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng”. Năm 2012, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt IV) về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Những ngôi sao ca đêm”, “Từ Làng Sen”, “Đêm trên Cha Lo”, “Tiến lên Đoàn viên”, “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”.

Lê Thanh Hà

anh-tu-lieu-1578931219049220247770-crop-1578931250839761914065.jpgNhạc sĩ Phạm Tuyên và “gia tài” hơn 700 ca khúc


Bài viết Người nổi tiếng - Thông tin tổng hợp người nổi tiếng được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này

No comments