Tranh cãi về đề xuất công an sát hạch cấp bằng lái xe
Đề xuất dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự, An toàn giao thông đường bộ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan nhà nước và địa phương. Theo đó, các bộ, ngành liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đơn cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm đưa pháp luật về trật tự, giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy.
Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và phối hợp với Bộ Công an trong công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường bộ…
Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đưa ra các quy định và thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông và tổ chức việc kiểm định xe cơ giới…
Tuy nhiên, vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm và trở thành "điểm nóng" gây tranh cãi là việc Bộ Công an đề xuất nhiệm vụ mới: Sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe…
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội về vấn đề này, ông Nguyễn Gia Hải (Hội luật gia Việt Nam) cho rằng đề xuất này của Bộ Công an không phải là không có lý, xét cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Về lý luận, việc đề xuất và xây dựng Luật Bảo đảm Trật tự, An toàn giao thông đường bộ chính là để thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội phù hợp với tình hình mới; đồng thời loại bỏ sự chồng chéo về thẩm quyền, rạch ròi về trách nhiệm trong quá trình quản lý của các Bộ, ngành liên quan
Về mặt thực tiễn, do xã hội không ngừng vận động và biến đổi, các văn bản pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 và những nghị định, thông tư có liên quan đang có nhiều "góc chết", tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý với những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Điều luật mặc dù chi tiết nhưng lại khó xử lý trong từng trường hợp cụ thể. Chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành còn chưa có tính thống nhất cao, từ đó trách nhiệm bị đùn đẩy.
Cụ thể, tại điều 85 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định rõ về trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành như: Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Bộ Công an ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì còn có trách nhiệm cùng với Bộ GTVT trong việc cung cấp số liệu đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe.
Quy định này tạo lên sự phức tạp, tính thống nhất trong quản lý chưa cao do bắt buộc phải có sự phối hợp giữa 2 bộ. Đây cũng là nguyên nhân tạo lên sự rườm rà trong thủ tục hành chính.
Yêu cầu phân định rõ chức năng, quyền hạn của các Bộ, ban ngành song song với mục đích rút gọn thủ tục hành chính là việc làm cần thiết.
Đề xuất công an sát hạch cấp bằng lái xe đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: TL
Cùng quan điểm với luật gia Nguyễn Gia Hải, anh Nhữ Văn Chiến (một tài xế taxi) chia sẻ: "Cá nhân tôi thì ủng hộ nên giao việc sát hạch cấp bằng lái xe cho Bộ Công an mà cụ thể là đơn vị cảnh sát giao thông. Như vậy sẽ mang đến chất lượng tốt hơn và chặt chẽ hơn so với Bộ GTVT. Chất lượng đầu ra đối với những người có bằng lái xe cũng được nâng cao".
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất trên của Bộ Công an, vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Lê Văn Hồng (trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho rằng, đề xuất trên của Bộ Công an là không hợp lý. Bởi lẽ một cơ quan vừa cấp bằng, vừa thi hành luật thì vô hình chung sẽ tạo nên một siêu cơ quan. Một tổ chức nắm quá nhiều quyền hành sẽ khiến mọi thứ trở nên khó minh bạch. Thiết nghĩ, Bộ Công an nên tập trung vào nhiệm vụ an ninh trật tự. Việc cấp bằng lái xe để Bộ Giao thông vận tải như hiện nay đảm nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất công an sát hạch cấp bằng lái xe là không hợp lý. Ảnh: TL
Cũng không đồng tình với đề xuất trên, anh Nguyễn Xuân Tiến (hiện đang làm việc tại TP.HCM) cho biết, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ bằng việc phân định rõ trách nhiệm của mình. Trong trường hợp nhận thấy Bộ Giao thông vận tải tồn tại sự bất cập, chưa chuẩn về việc sát hạch cấp bằng lái xe thì Bộ công an có thể góp ý, xây dựng. Chứ cứ thấy họ làm chưa tốt, lại giành việc về mình làm thì không nên. Liệu có ai dám cam kết là Bộ Công an sẽ làm tốt hơn không? Nếu cứ chốc chốc lại thay đổi hồ sơ, giấy tờ thì người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phiền hà chưa nói tới việc tốn kém về kinh tế.
Chi Lê
Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất
Bài viết Người nổi tiếng - Thông tin tổng hợp người nổi tiếng được sưu tầm nguồn internet, bạn có ý kiến hãy để lại sau bài viết này
No comments